Vinaincon

Đại hội đồng cổ đông thường niên Tổng công ty năm 2016
Ngày đăng: 06.10.2016

Thực hiện quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ tổ chức hoạt động của Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam, ngày 10 tháng 6 năm 2016, VINAINCON đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 và nhiệm kỳ II năm 2016 – 2021 để nhằm tổng kết các kết quả hoạt động theo Nghị quyết Đại hội cổ đông năm 2015 cũng như thông qua các chỉ tiêu kế hoạch cho giai đoạn 5 năm tới.


1.JPG

Ông Trần Thanh Tân, Chánh Văn phòng Tổng công ty khai mạc Đại hội.



2.JPG

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội



3.JPG

Tổ Thư ký giúp việc Đại hội



Đến dự Đại hội có đại diện Lãnh đạo một số Vụ chức năng thuộc Bộ Công Thương cùng 138 cổ đông và đại diện nhóm cổ đông, sở hữu 52.885.600 cổ phần có quyền biểu quyết, chiếm tỷ lệ 96,16% tổng số cổ phần của Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam.

Thay mặt HĐQT Tổng công ty, ông Hoàng Chí Cường, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc đã trình bày Báo cáo kết quả hoạt động SXKD năm 2015 và toàn nhiệm kỳ I (2011 – 2015) cũng như mục tiêu kế hoạch đề ra năm 2016 và giai đoạn năm 2016 – 2020. Báo cáo nêu rõ: Năm 2015, toàn Tổng công ty thực hiện Doanh thu đạt 5.115,2 tỷ đồng, vượt 46% so với Nghị quyết đề ra; Lợi nhuận sau thuế từ hoạt động SXKD đạt 110,5 tỷ đồng, bằng 120% so với kế hoạch.


4.JPG

Tổng giám đốc Hoàng Chí Cường trình bày Báo cáo của HĐQT tại Đại hội


Trong năm 2015, Tổng công ty vẫn ưu tiên khai thác các đối tác và bạn hàng lâu năm, tập trung chủ yếu vào các dự án đầu tư hoặc do nước ngoài làm tổng thầu hoặc do đối tượng nước ngoài quản lý, các dự án thế mạnh như đường dây và trạm, các dự án công nghiệp lớn để đảm bảo khả năng thanh toán, thu vốn và vòng quay của vốn lưu động. Các đơn vị là thế mạnh của Tổng công ty và luôn hoàn thành kế hoạch đề ra và có mức tăng trưởng vượt bậc bình quân trong 5 năm trở lại đây (2011 - 2015), như: PCC2 (30%); PCC4 (17%); VINAINCON E&C (124%); TDC (11%); Các đơn vị giữ được sự ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh qua các năm, chủ yếu là các đơn vị sản xuất công nghiệp, cụ thể như: COMESS, TDC, ACECO, QSCC...

Thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ từ đầu năm, Tổng công ty đã từng bước cải thiện hệ thống quản lý trực tiếp các dự án, nâng cao trình độ và tính tự chủ trong công tác quản lý đến từng cán bộ.

Nhìn chung, Tổng công ty có nhiều cơ hội nhận thầu trong lĩnh vực xây lắp công nghiệp, truyền tải điện với giá trị lớn, tuy nhiên các điều kiện về giá cả và thanh toán đang ngày càng chặt chẽ. Việc lựa chọn công trình, hợp đồng tập trung ưu tiên vào mục tiêu hiệu quả kinh tế, ít chịu áp lực về tăng trưởng doanh số như những năm trước đây. Các đơn vị thi công tập trung đẩy mạnh tiến độ thi công theo phương thức điều hành thi công công trình trực tiếp đối với các hợp đồng quy mô vừa, có nguồn vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư của doanh nghiệp với mục tiêu đảm bảo tiến độ, chất lượng và uy tín đối với Chủ đầu tư, thầu chính.

Một trong những nội dung quan trọng được các cổ đông hết sức quan tâm, đó là việc cơ cấu lại nợ Dự án XMTN và tái cơ cấu Công ty TNHH một thành viên Xi măng Quang Sơn. Trong thời gian vừa qua, Tổng công ty đã rất tích cực làm việc với các Bộ, ngành có liên quan để tìm cách tháo gỡ vấn đề này. Cụ thể như sau, trên cơ sở đề xuất của Tổng công ty tại Công văn số 783/VINAINCON-HĐQT ngày 19/12/2014 về phương án tái cơ cấu Công ty TNHH một thành viên Xi măng Quang Sơn, ngày 15/9/2015 Bộ Công Thương có Công văn số 9550/BCT-TC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án tái cơ cấu Công ty Xi măng Quang Sơn. Tiếp đó, ngày 12/10/2015, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 8248/VPCP-KHTH yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam có ý kiến về Phương án tái cơ cấu Công ty TNHH một thành viên Xi măng Quang Sơn.



5.JPG

Ông Hoàng Thế Hiển, Kế toán trưởng Tổng công ty báo cáo làm rõ một số nội dung liên quan đến Báo cáo tài chính năm 2015 của Tổng công ty


Căn cứ ý kiến của Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Công văn số 4040/NHPT-TDĐT ngày 06/11/2015 và Công văn số 1895/BTC-TCDN ngày 02/02/2016 của Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ, ngày 10/3/2016, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1524/VPCP-KHTH gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, nôi dung như sau: Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì tiếp thu ‎ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng hoàn thiện phương án tái cơ cấu Công ty TNHH một thành viên Xi măng Quang Sơn báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Hiện nay, Tổng công ty đang tiếp tục làm việc với Bộ Công Thương để thống nhất nội dung báo cáo Thủ tướng Chính phủ lần cuối cùng về Phương án tái cơ cấu Công ty TNHH một thành viên Xi măng Quang Sơn.

Đánh giá chung về kết quả thực hiện nhiệm vụ trong toàn nhiệm kỳ, Tổng giám đốc VINAINCON cho rằng, trong 5 năm vừa qua, Tổng công ty được hình thành và hoạt động theo mô hình mới trong điều kiện nền kinh tế chung của cả nước gặp nhiều biến động, ảnh hưởng lớn của kinh tế thế giới và khó khăn nội tại trong nước. Những năm đầu chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, những năm sau là quá trình thắt chặt tín dụng, giảm đầu tư phát triển, khắc phục khó khăn tồn tại, từng bước lành mạnh hóa nền kinh tế trong nước. Trong nội bộ Tổng công ty cũng có những vướng mắc, tồn tại, bất cập, hậu quả để lại do cơ chế hoạt động theo mô hình bao cấp, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc làm việc không rõ ràng trách nhiệm trong toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển.



6.JPG

Bà Nguyễn Thị Thu Nga, Trưởng Ban Kiểm soát Tổng công ty trình bày Báo cáo của BKS năm 2015


Trước tình hình đó, Những mục tiêu chủ yếu được đặt ra đối với nhiệm kỳ đầu là:

- Xây dựng cơ cấu tổ chức, mô hình quản lý điều hành, quản lý doanh nghiệp tại Tổng công ty thông qua hệ thống các quy chế, quy định, phân công trách nhiệm rõ ràng phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp cổ phần, vừa quản lý được các doanh nghiệp cấp dưới, vừa tổ chức hoạt động kinh doanh trực tiếp có hiệu quả để đảm bảo chủ động trong đầu tư phát triển và chăm lo đời sống người lao động.

- Từng bước rà soát, làm rõ thực trạng tài chính, tích cực hỗ trợ xử lý các tồn tại của các đơn vị thành viên. Đổi mới mô hình và nhân sự tổ chức điều hành sản xuất tại cơ sở, đảm bảo mục tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, xây dựng các doanh nghiệp thành viên mạnh, bộ máy quản lý của Tổng công ty tinh gọn hiệu quả, gắn kết được giữa Tổng công ty và các đơn vị thành thực thể thống nhất, hoạt động trên cơ chế trách nhiệm rõ ràng để cùng phát triển.

- Mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Tập trung vào ngành nghề chính là xây lắp và sản xuất công nghiệp để phát triển bền vững, giữ vững ngành nghề truyền thống, đổi mới phương thức tổ chức thi công, xây dựng uy tín, thương hiệu và năng lực cạnh tranh từ Công ty đến Tổng công ty làm tiền đề cho sự phát triển ổn định sau này.

- Hoàn thiện quá trình đầu tư Dự án Nhà máy Xi măng Thái Nguyên, triển khai tốt công tác tổ chức sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên Xi măng Quang Sơn. Đồng thời xây dựng các phương án cơ cấu lại tài chính và tổ chức của Dự án, làm việc với các đối tác và trình các Bộ, ngành, Chính phủ để cân đối lại tài chính chung của Công ty nhằm mục tiêu khắc phục tình trạng mất cân đối tài chính và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển của Tổng công ty do đầu tư Dự án đem lại.

- Tập trung vào mục tiêu sản xuất kinh doanh có lãi, đầu tư vào thiết bị thi công và sản xuất, hình thành năng lực nhận thầu thống nhất, kết hợp thế mạnh chuyên ngành của các đơn vị trong Tổng công ty đáp ứng được yêu cầu của khách hàng trong nước và quốc tế.


7.JPG

Ông Lê Văn Thuyên, Trưởng Ban Kiểm phiếu công bố thể lệ bầu cử HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới


Trong toàn nhiệm kỳ, bám sát các Nghị quyết của ĐHĐCĐ và chỉ đạo thực hiện của HĐQT, Tổng công ty đã không ngừng đổi mới trong tư duy quản lý và điều hành nhằm đảm bảo mục tiêu đã đề ra với các cổ đông. HĐQT, Ban Lãnh đạo Tổng công ty cùng toàn thể cán bộ công nhân viên Tổng công ty và các đơn vị thành viên, Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ được đặt ra trong nhiệm kỳ 2011 - 2015.

Tốc độ trưởng doanh thu bình quân trong 5 năm vừa qua của toàn Tổng công ty đạt trung bình là 12%. Sở dĩ có sự tăng trưởng doanh thu tương đối khả quan như vậy một phần là do trượt giá của thị trường nói chung và một phần là do Nhà máy Xi măng Quang Sơn đi vào hoạt động sản xuất ổn định và quy mô các hợp đồng lớn của Công ty mẹ ngày một nâng cao, các bạn hàng trong và ngoài nước tín nhiệm và tự tìm đến Tổng công ty ngày một nhiều hơn.

Về chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế, từ năm 2012, hàng năm Công ty mẹ đều thực hiện trích lập dự phòng phải thu khó đòi và dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn tại các Công ty có hoạt động SXKD lỗ. Riêng Công ty TNHH một thành viên Xi măng Quang Sơn do các tồn tại về tài chính của Công ty đang được Tổng công ty báo cáo các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ cho phép được xử lý các tồn tại về tài chính và cơ cấu lại nợ Dự án, tái cơ cấu Công ty TNHH một thành viên Xi măng Quang Sơn nên từ năm 2015 Tổng công ty mới trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn, giá trị là 65.000 triệu đồng/200.000 triệu đồng đầu tư, đạt 32,5% vốn đầu tư của Tổng công ty tại Công ty.

Cơ quan Tổng công ty đã hình thành theo mô hình mới phù hợp với hoạt động của Công ty cổ phần. Căn cứ Điều lệ được ban hành và sửa đổi, các quy chế, quy định, nội quy làm việc trên từng lĩnh vực được xây dựng và ban hành tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý cho mọi hoạt động của Tổng công ty cũng như các đơn vị thành viên. Văn phòng cơ quan Tổng công ty đã thực hiện xắp xếp và cơ cấu lại các phòng ban chuyên môn theo hướng hiện đại, gọn nhẹ, hiệu quả và phù hợp với điều kiện hoạt động mới của Tổng công ty. Các Chi nhánh được thành lập và củng cố, phát triển theo định hướng rõ ràng. Đảm bảo cho mục tiêu cơ quan Tổng công ty vừa thực hiện chức năng quản lý các đơn vị thành viên, quản lý đầu tư tài chính, vừa trực tiếp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, tự chủ về tài chính, định hướng, xây dựng thị trường, đồng thời có khả năng hỗ trợ các đơn vị thành viên trên nhiều lĩnh vực. Mối quan hệ giữa Tổng công ty và các đơn vị được quy định, phân cấp trách nhiệm rõ ràng, đảm bảo quyền chủ động của cơ sở song vẫn gắn kết hỗ trợ lẫn nhau.

Trong khi đó, các đơn vị thành viên đã thực hiện việc điều chỉnh nhân sự, làm rõ thực trạng tài chính và đổi mới mô hình, phương pháp quản lý sản xuất kinh doanh phù hợp với đặc thù của từng ngành nghề. Việc xem xét, cử, điều chỉnh các đại diện phần vốn của Tổng công ty, các chức danh quản lý tại các đơn vị được tiến hành thường xuyên, kiên quyết phù hợp với thực tế khách quan. Đảm bảo mục tiêu đưa các công ty ngày càng lành mạnh và phát triển.

Tổng công ty đã đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt, hỗ trợ về tổ chức, nhân sự, tài chính… nhằm khắc phục và hoàn thiện lại cơ cấu tổ chức quản lý và năng lực sản xuất, thi công của một số đơn vị làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả. Hầu hết các đơn vị trong Tổng công ty đã đạt được những kết quả tích cực, từ lỗ nhiều thành lỗ ít, từ lỗ chuyển sang lãi và từ lãi ít thành lãi nhiều hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, một vài đơn vị chịu ảnh hưởng thua lỗ nặng nề từ những năm trước, lỗ toàn bộ vốn đầu từ, nguồn nhân lực có năng lực và trách nhiệm yếu và thiếu mặc dù được hỗ trợ nhiều mặt của Tổng công ty vẫn chưa giải quyết được hết lỗ lũy kế và xây dựng tiềm năng phát triển, như: CCIC, CCIM. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết trong kế hoạch nhiệm kỳ tới.

Đặc biệt, nhận thức được tồn tại của mô hình sản xuất là các chi nhánh, xí nghiệp trung gian thiếu hiệu quả, trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý không rõ ràng, hệ thống quy chế quản lý còn nhiều kẽ hở, khó kiểm soát các rủi ro và tổn thất tiềm ẩn hàng ngày... đối với doanh nghiệp, trong nhiệm kỳ vừa qua, Tổng công ty đã triển khai chương trình giảm các cấp trung gian trong quản lý tại hầu hết các đơn vị thành viên, thực hiện việc tách các chi nhánh thành các công ty cổ phần hoặc chuyển thành mô hình đội do Công ty quản lý trực tiếp. Quá trình thực hiện đã đem lại hiệu quả kinh doanh thiết thực. Hầu hết các đơn vị đều hoạt động lành mạnh hơn, thực trạng tài chính được củng cố, uy tín và thương hiệu được nâng cao.

Về mục tiêu chiến lược của Tổng công ty trong nhiệm kỳ II (2016 – 2020) được đưa ra tại Đại hội, trong nhiệm kỳ 5 năm tới, Tổng công ty đề ra mục tiêu tăng trưởng các chỉ tiêu kinh doanh với mức tăng bình quân hàng năm từ 5 - 10% phù hợp mô hình hoạt động mới đối với lĩnh vực xây lắp và đầu tư kinh doanh trong giai đoạn phát triển hiện nay của nền kinh tế nước ta.

Tới năm 2020, Tổng công ty phấn đấu đạt sản lượng trên 8.000 tỷ đồng và doanh thu đạt trên 7.000 tỷ đồng. Nâng cao thương hiệu và vị thế cạnh tranh của Tổng công ty trên thị trường, đảm bảo là một trong những đơn vị xây dựng công nghiệp hàng đầu trong nước và có khả năng vươn ra hoạt động tại nước ngoài một cách vững chắc. Mở rộng các loại hình dịch vụ vệ tinh, tăng năng lực xây lắp trong các dự án chìa khóa trao tay, các hợp đồng EPC có giá trị hàng trăm triệu USD trong ngành Công nghiệp và dân dụng, tăng cường năng lực trong thị phần M&E các nhà máy công nghiệp. Cơ cấu sản lượng và doanh thu dự kiến: Xây lắp 45%; Sản xuất công nghiệp 30%; Đầu tư kinh doanh dịch vụ 25%. Thị phần đầu tư và xây dựng có vốn đầu tư nước ngoài và thị trường ngoài nước chiếm từ 50 - 60% tổng doanh thu.



8.JPG

Ông Hoàng Hữu Phương, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty, đại diện cho tập thể người lao động Tổng công ty tặng hoa chúc mừng HĐQT Tổng công ty nhiệm kỳ 2016 - 2021 trong Lễ ra mắt



9.JPG

Tổng giám đốc Hoàng Chí Cường chúc mừng Ban Kiểm soát Tổng công ty giai đoạn 5 năm tới


Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016, nhiệm kỳ II (2016 – 2021) của Tổng công ty đã thành công tốt đẹp, Đại hội đã bầu ra HĐQT quản trị Tổng công ty trong giai đoạn 5 năm tới gồm: ông Nguyễn Gia Du, ông Hoàng Chí Cường, ông Nguyễn Thế Thành và ông Trần Đức Y và bà Trần Thị Minh; Ban Kiểm soát Tổng công ty khóa II gồm: Bà Nguyễn Thị Thu Nga, ông Nguyễn Ngọc Cường và ông Đặng Quang Cường.


10.JPG

Thay mặt HĐQT Tổng công ty khóa II, ông Nguyễn Gia Du phát biểu bày tỏ cảm ơn về sự tín nhiệm của Đại hội



11.JPG

Ông Nguyễn Ngọc Cường, Thay mặt Tổ Thư ký trình bày Dự thảo Nghị quyết Đại hội



12.JPG

Các cổ đông biểu quyết thông qua Nghị quyết, Đại hội đã thành công tốt đẹp