Vinaincon

VINAINCON được giao thực hiện một số đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước
Ngày đăng: 09.13.2015

Vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương đã chính thức giao VINAINCON cùng một số đơn vị chuyên ngành thực hiện Đề tài khoa học và công nghệ: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW”. Đây là hệ thống 13 đề tài nghiên cứu khoa học thực hiện theo Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012-2025.

Trong đó, VINAINCON được giao phối hợp thực hiện 2 đề tài quan trọng: Đề tài 1 – Nghiên cứu thiế kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống khử ô xít lưu huỳnh trong khói lò (FGD) cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW. Chủ trì thực hiện đề tài này là Viện Nghiên cứu Cơ khí, VINAINCON, LILAMA, AGRIMECO.

Để thực hiện đề tài này, các đơn vị tham gia cần phải lập được Báo cáo nghiên cứu lựa chọn phương án công nghệ khử ô xít lưu huỳnh trong khói lò của nhà máy nhiệt điện đốt than; Xây dựng được bộ tài liệu tính toán, thiết kế hệ thống FGD nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW; Xây dựng bộ tài liệu thiết kế chế tạo các thiết bị được nội địa hoá; Bộ quy trình công nghệ chế tạo, hướng dẫn lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng các thiết bị. Đồng thời các thành viên tham gia đề tài còn phải xây dựng 01 hệ thống FGD được đưa vào sử dụng tại một nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW với thông số phát thải phải đạt yêu cầu tiêu chuẩn Việt Nam và đáp ứng yêu cầu của Việt Nam về môi trường cho phép đối với nhà máy nhiệt điện đốt than.

Đề tài thứ 2 VINAINCON được chọn tham gia là: “Nghiên cứu tính toán thiết kế, chế tạo lắp đặt, và đưa vào vận hành trạm phân phối có điện áp đầu ra đến 500kV và tích hợp hệ thống nhị thứ cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600MVA”. Đề tài này do Tổng công ty cổ phần Chế tạo thiết bị điện Đông Anh chủ trì, VINAINCON và NARIME cùng phối hợp thực hiện.

Sau khi nghiên cứu thành công đề tài này, các đơn vị tham gia sẽ làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo, tổ máy biến áp nguồn có công suất lên tới 600MVA điện áp tới 500kV. Đồng thời, tạo ra sản phẩm mới, chế tạo hoàn chỉnh, đưa vào vận hành trên lưới điện quốc gia. Nâng cao chất lượng thiết kế, công nghệ chế tạo thiết bị điện cao áp.

Từ thực tế chế tạo máy biến áp 500kV, thúc đẩy phát triển các ngành: vật liệu mới, công nghệ chế tạo thiết bị điện công suất lớn, điện áp cao. Đưa vào áp dụng các tiêu chuẩn Quốc tế: kiểm tra – thử nghiệm; quản lý chất lượng sản phẩm; quản lý kỹ thuật tiên tiến. Nâng cao khả năng sản xuất, tạo dây chuyền công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu chế tạo thiết bị điện cao áp. Từ việc thiết kế chế tạo một tổ máy biến áp 3x150MVA-500kV hoàn thiện hồ sơ, đưa vào sản xuất theo quy mô công nghiệp, đáp ứng nhu cầu cung ứng thiết bị điện cao áp cho lưới điện Việt Nam. Bước đầu hoàn thiện tổ máy 3x150MVA-500kV sẽ tạo tiền đề thực hiện những tổ máy có công suất lớn hơn

Hiện nay, một số các nhà sản xuất Việt Nam đã đạt được thành công lớn về nghiên cứu chế tạo, lắp ráp một số các thiết bị chính trong sân phân phối cho các nhà máy nhiệt điện có công suất lớn, điện áp siêu cao áp như các biến áp lực, tuy nhiên vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn và hạn chế trong nhiều hạng mục của sản phẩm, đặc biệt trong việc sản xuất các thiết bị đo lường điện áp siêu cao áp: biến dòng, biến điện áp 110-220-500kV, các thiết bị đóng cắt điện áp siêu cáp áp: máy cắt điện, cầu dao va chống sét van 500kV, hầu hết các thiết bi trên được nhập khẩu nguyên bộ từ các nhà cung cấp nước ngoài như: Alstom, Schneider, siemens…

Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh là đơn vì đi đầu trong việc nghiên cứu và chế tạo các loại máy biến áp lớn, nhưng thành tư đáng kể trong nghiên cứu và chế tạo là: tổ máy biến áp ba pha cấp điện áp 500kV – công suất 450MVA. Máy biến áp nguồn lớn nhất EEMC đã sản xuất cho nhà máy thủy điện Sesan 4A – 75MVA-220kV. Thời gian qua, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh EEMC cũng là đơn vị đi đầu trong việc nội địa hóa từng phần các sản phẩm trên với việc mua: chuyển giao công nghệ chế tạo cầu dao cách ly 110 -220kV.

Như vậy, việc “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp và đưa vào vận hành sân phân phối cho nhà máy nhiệt điện 500kV – công suất đến 600MVA” ở nước ta là cần thiết và sẽ đem lại lợi ích to lớn về phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy ngành cơ khí nước ta phát triển, góp phần thực hiện chương trình nội địa hóa các thiết bị trong lĩnh vực nhiệt điện của Nhà nước và đem lại hiệu quả kinh tế to lơn cho xã hội.

Theo tiến độ ban đầu được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương đưa ra, dự kiến đến cuối năm 2015 hai đề tài nghiên cứu khoa học do VINAINCON tham gia sẽ được hoàn thành.

Trong giai đoạn vừa qua, VINAINCON và các đơn vị thành viên đã tổ chức nhiều phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở các đơn vị sản xuất, khuyến khích các cá nhân, đơn vị tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Kết quả, đã có hàng trăm đề tài sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được nghiên cứu và áp dụng tại các đơn vị thành viên, làm tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động, làm lợi cho doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng.

Đặc biệt, Tổng công ty đã chủ trì hoặc tham gia thực hiện và bảo vệ thành công 05 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và đã áp dụng ngay vào thực tiễn sản xuất, góp phần vào đổi mới công nghệ, tiết kiệm chi phí đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở ra các sản phẩm mới cung cấp cho thị trường. Điển hình là các đơn vị thành viên như: Công ty cổ phần bê tông ly tâm An Giang, Công ty cổ phần Cơ khí Hồng Nam, Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Hoá chất Hà Bắc… Hy vọng rằng, với năng lực, nhiệt huyết và kinh nghiệm của mình, VINAINCON sẽ tham gia thành công 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước kể trên.