Vinaincon

Ngành Công Thương triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2014
Ngày đăng: 01.10.2014

Sáng ngày 10/01/2014, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết hoạt động năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 ngành Công Thương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự Hội nghị về phía VINAINCON có Chủ tịch HĐQT Nguyễn Gia Du, Tổng giám đốc Hoàng Chí Cường và đại diện Lãnh đạo một số Công ty TNHH một thành viên.


bo-truong-vu-huy-hoang_91840.jpg

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phát biểu ý kiến tại Hội nghị


IMG_9164.JPG

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị


abc_16576.jpg

Thủ tướng trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị


Báo cáo về tình hình công nghiệp và thương mại năm 2013, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, dưới sự chỉ đạo hiệu quả và sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự cố gắng, nỗ lực chung của các Bộ ngành, địa phương và các cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước, ngành Công Thương đã cố gắng phấn đấu thực hiện nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào thành tựu phát triển chung của cả nước.

Theo đó, sản xuất công nghiệp năm 2013 có sự phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, có xu hướng quý sau tăng cao hơn quý trước, hàng tồn kho giảm dần. Tuy nhiên, giá trị gia tăng công nghiệp- xây dựng trong giai đoạn 2011- 2013 mới chỉ đạt bình quân 6%. Với kết quả này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dự báo tình hình kinh tế vẫn tiếp tục còn khó khăn trong 2 năm tới, khả năng chỉ tiêu này khó đạt được kế hoạch đề ra cho 5 năm 2011- 2015 (tăng 7,2-7,7%).

Về thị trường trong nước giữ được mức tăng trưởng khá, cung cầu các hàng hóa thiết yếu được đảm bảo. Thị trường nội địa năm 2013 không bị thiếu hàng, sốt giá, đảm bảo nhu cầu cả sản xuất và tiêu dùng.

Công tác quản lý thị trường được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm, kết quả là tình trạng nhập lậu gia cầm qua biên giới cơ bản được khống chế; gian lận trong kinh doanh xăng dầu giảm đáng kể.

Xuất khẩu tiếp tục là bức tranh sáng của nền kinh tế Việt Nam với quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đều vượt mức kế hoạch đề ra, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục xuất siêu.

Trong năm 2013, Việt Nam tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, khẳng định được vị thế mới trên trường quốc tế và trong khu vực. Các hiệp định kinh tế, thương mại song phương từng bước đi vào thực thi đã tạo ra cơ hội và điều kiện thuận lợi cho khai thác để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.

6 giải pháp lớn của ngành Công Thương

Bước vào năm 2014, dự báo kinh tế thế giới sẽ có sự phục hồi tích cực hơn song còn nhiều yếu tố rủi ro và chưa vững chắc. Để góp phần thực hiện mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế- xã hội của cả nước, các chỉ tiêu của ngành Công Thương trong 2 năm 2014- 2015 phấn đấu giá trị gia tăng công nghiệp- xây dựng bình quân hàng năm tăng khoảng 6,1- 6,3%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 10%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 14%/năm.


thu-tuong-Nguyen-Tan-dung_20704.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị


Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Ngành Công Thương có vai trò rất quan trọng trong tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Thủ tướng yêu cầu trước hết cần tăng cường quản lý nhà nước của ngành, Bộ, tạo ra thể chế, cơ chế chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Thực hiện hiệu quả công tác xây dựng các đề án, quy hoạch phát triển của ngành cũng như thực hiện tốt công tác thanh tra, giám sát; cần giảm bớt vừa chiến lược vừa quy hoạch và gắn quy hoạch với định hướng thị trường.

Thứ hai, ngành Công Thương đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh gắn với tái cơ cấu kinh tế. Trong đó, hết sức lưu ý đến vấn đề đưa khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh; triển khai hiệu quả giải pháp phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu, các chính sách ưu đãi tín dụng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Ngành Công Thương tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đi liền với đó là mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao.

Thứ ba, ngành Công Thương chủ động, tích cực hơn nữa trong việc đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU cùng với việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến về các FTA mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập hoặc đang trong quá trình đàm phán để các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, người dân chủ động khai thác có hiệu quả.

Thứ tư, chú ý đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu như than, xăng dầu; công khai minh bạch yếu tố hình thành giá trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ năm, thực hiện quyết liệt việc kiểm soát giá cả thị trường, chống hàng giả, hàng lậu; tăng cường quản lý, bảo vệ thị trường trong nước trước các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu qua biên giới.

Thứ sáu, nghiêm túc thực hiện tái cơ cấu, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Tổng hợp theo MOIT