Vinaincon

Lắp đặt thành công dầm chính Lò hơi Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, tỉnh Bình Thuận
Ngày đăng: 06.17.2015

Ngày 17/6/2015, tại công trường Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, tổ hợp nhà thầu Doosan - Mitsubishi - PECC2 - Pacific tổ chức long trọng lễ nâng dầm chính lò hơi cho tổ máy số 1.

Sau gần 15 tháng thi công, Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đã đi được 28,8% tiến độ. Vào sáng 17-6, lễ nâng dầm chính lò hơi cho tổ máy số 1 đã được tổ hợp nhà thầu Doosan- Mitsubishi- PECC2- Pacific tổ chức long trọng tại công trường nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Tổng cộng 4 tổ hợp dầm chính gồm 188 tấn thiết bị kết cấu thép của lò hơi số 1 - Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đã được lắp đặt thành công, chính xác và an toàn ở độ cao 79,8m. Dầm có trọng lượng nặng nhất lên đến 57 tấn.


Vinh Tan (1).jpg


Việc lắp đặt thành công dầm chính lò hơi đã khẳng định sự kết thúc toàn bộ quá trình lắp đặt kết cấu thép để chuyển sang một công đoạn khác, đó là quá trình lắp đặt bao hơi và các thiết bị áp lực của lò hơi. Theo dự kiến, bao hơi số 1 sẽ được lắp đặt vào thời gian tới và tổ máy số 1 sẽ được đưa vào vận hành phát điện vào ngày 26/12/2017.

Khởi công xây dựng vào ngày 09.3.2014 Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là nhà máy thứ hai được khởi công xây dựng trong tổ hợp 4 nhà máy của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân.

Dự án Vĩnh Tân 4 bao gồm 2 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 600 MW. Sau khi hoàn thành, nhà máy này sẽ cung cấp sản lượng điện 7,3 tỉ kWh/năm. Tổng vốn đầu tư của nhà máy trên 36.000 tỉ đồng.

Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 do Tổ hợp Nhà thầu DOOSAN - MITSUBISHI - PECC2 - PACIFIC làm tổng thầu EPC, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 3 phối hợp với tư vấn phụ nước ngoài làm tư vấn cho Chủ đầu tư, giám sát thi công xây dựng. Đây cũng là Hợp đồng EPC nhà máy điện đầu tiên mà một đơn vị tư vấn trong nước (Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 - PECC2) tham gia với tư cách một thành viên của Tổ hợp nhà thầu EPC để cùng đảm nhận các công việc của dự án, đặc biệt là công tác thiết kế. Việc tham gia liên danh với các nhà thầu quốc tế mở ra nhiều triển vọng mới trong việc tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao năng lực tư vấn, thiết kế xây dựng điện, năng lực cạnh tranh cũng như khả năng phát triển trong lĩnh vực tổng thầu cho các công ty trong nước, giúp tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động theo đúng tinh thần tại Chỉ thị 494/CT-TTg ngày 20/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ.


VT4_GL_2.jpg


Theo các chuyên gia, dự án ứng dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, thông số hơi trên tới hạn, hiệu suất cao, công nghệ đốt tiên tiến phù hợp với nhiên liệu than nhập khẩu có chất lượng tốt. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc thiết kế và xây dựng nhà máy nhằm đảm bảo các chỉ tiêu cao về độ sẵn sàng, hiệu suất, tính ổn định, an toàn và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường của Việt Nam và Quốc tế nhờ áp dụng các công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường hiện đại như lọc bụi, giảm NOx, khử SOx và xử lý nước thải... Than sẽ được vận chuyển đến nhà máy bằng phương tiện vận tải thuỷ có tải trọng lên đến 100.000DWT. Lượng than tiêu thụ cho nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 khoảng hơn 3,7 triệu tấn/năm, dự kiến nhập khẩu từ nước ngoài.

Như vậy, dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là một trong các dự án trọng điểm của Chỉnh phủ do EVN làm chủ đầu tư, đây là một trong 4 nhà máy thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; dự án này có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của Ngành Điện lực Việt Nam, dự án có những đặc điểm nổi trội như sử dụng than có quy mô lớn đầu tiên sử dụng thông số hơi siêu tới hạn (Super Critical) được xây dựng ở Việt Nam, tỷ trọng nội địa hóa cao (gần 26%), mô hình mới về thu xếp vốn, công trình nhà máy nhiệt điện quy mô lớn đầu tiên do Đơn vị tư vấn của Việt Nam chủ trì phần thiết kế.

Theo tiến độ đã được ký kết, nhà máy sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành tổ máy số 1 sau 46 tháng xây dựng (2017) và tổ máy số 2 sau 52 tháng xây dựng (2018). Nhà máy sẽ được đấu nối với Hệ thống điện Quốc gia thông qua lưới điện đồng bộ 500kV. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ góp phần chống thiếu điện khu vực miền Nam vào những năm sau 2017, giảm sự phụ thuộc của hệ thống điện vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô và các năm cạn kiệt; giảm sản lượng điện phải truyền tải từ Bắc vào Nam; giảm tổn thất điện năng, tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho hệ thống.

Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam – VINAINCON trúng thầu một số hạng mục của Nhà máy và đang trong giai đoạn tích cực triển khai.


Vinh Tan (2).jpg



Vinh Tan (6).jpg



Vinh Tan (7).jpg



Vinh Tan.jpg

Một số hình ảnh về tiến độ thi công trên công trường Nhà máy - phần việc do VINAINCON thực hiện.