Vinaincon

Đoàn Thanh niên VINAINCON tổ chức chuyến tham quan "Về nguồn"
Ngày đăng: 03.21.2014


THẾ HỆ HÔM NAY MÃI MÃI KHÔNG QUÊN QUÁ KHỨ HÀO HÙNG CỦA MỘT THẾ HỆ ANH HÙNG


Nhân dịp kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2014), hưởng ứng tháng Thanh niên năm 2014, được sự đồng ý và tạo điều kiện của Đảng ủy và Lãnh đạo Tổng công ty, sự ủng hộ cả về chất và tinh thần của cá nhân các đồng chí Lãnh đạo, vừa qua, Đoàn Thanh niên Cơ quan Tổng công ty đã tổ chức chuyến tham quan đến các địa danh lịch sử của đất nước tại khu vực các tỉnh miền Trung cho Cán bộ, đoàn viên thanh niên.

Tưởng nhớ lớp thanh niên xung phong “mãi mãi tuổi hai mươi”

Vượt non nửa chiều dài đất nước trong tiết trời lất phất mưa xuân, điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn là Địa danh Ngã ba Đồng Lộc - di tích lịch sử oai hùng, nơi đã ghi dấu ấn bằng những chiến công chói lọi của các nữ thanh niên xung phong trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước.


Dong Loc 1.jpg

Đường vào Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc


Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên con đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn ở tỉnh Hà Tĩnh. Tại nơi đây, tròn 46 năm về trước, Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 2 Tổng đội TNXP 55 của tỉnh Hà Tĩnh gồm mười cô gái còn rất trẻ (từ 17 đến 24 tuổi) do chị Võ Thị Tần làm Tiểu Đội trưởng. Những cô gái ban ngày tránh bom quân địch rải, đêm đến ra lấp những hố bom để làm đường cho “xe anh ra tiền tuyến…”. Buổi sáng ngày 24/7/1968, các chị nhận lệnh lấp hố bom gấp, sau nhiều lần tránh được bom địch phá hoại khu vực ngã ba Đồng Lộc, một quả bom đã rơi ngay trước nơi các chị đang làm nhiệm vụ. Cả mười chị đã nằm lặng dưới lớp bụi đất, mãi mãi không bao giờ đứng dậy…


OK4.jpg

Đoàn dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ TNXP 


Tưởng nhớ công ơn trời biển của các nữ anh hùng liệt sỹ, Đoàn đã dâng hương, dâng hoa và làm Lễ kính viếng tại Đài tưởng niệm các liệt sỹ Thanh niên xung phong toàn quốc. Tiếp đó, với tâm trạng bùi ngùi, xúc động, Đoàn đã làm Lễ viếng và thắp hương tưởng niệm lần lượt từng liệt sỹ trong số mười cô gái bất tử, sống mãi trong lòng đất mẹ Việt Nam.


Dong Loc 1 (3).jpg

Hố bom nơi các chị đã anh dũng hy sinh


OK(10).jpg

Đoàn làm Lễ tưởng niệm tại tượng đài 10 cô gái TNXP tại Ngã Ba Đồng Lộc


OK1.jpg


OK(9).jpg


OK(7).jpg

Và thắp hương cầu chúc cho linh hồn các chị nơi suối vàng được ngàn thu an giấc...


Trời mưa suốt cả ngày, nhưng đúng lúc đoàn đến, như một sự anh thiêng trùng hợp, trời khô tạnh trong suốt quãng thời gian Lễ tưởng niệm và Lễ cầu siêu được các sư thày tổ chức trang trọng, linh thiêng, tất cả đã khởi đầu suôn sẻ cho cuộc hành trình về nguồn đầy ý nghĩa của Tuổi trẻ VINAINCON.


OK(6).jpg


Cung đường quốc lộ 1 đang được tu sửa, khiến việc di chuyển của các phương tiện hết sức khó khăn nhất là trong điều kiện trời mưa, đường trơn, nhưng không vì thế mà không khí trên xe kém đi phần sôi động, các tiết mục giao lưu văn nghệ và màn ngẫu hứng hip hop trên xe đã khiến gần 2 tiếng tắc đường trôi qua một cách “nhẹ nhàng”… Đoàn đến thành phố Đồng Hới, Quảng Bình, bên dòng sông Nhật Lệ hiền hòa, thanh bình đã gần nửa đêm…

Viếng đại Nghĩa trang giữa đỉnh Trường Sơn

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị là điểm hành hương tiếp theo trong chương trình của Đoàn. Tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sỹ. Đây là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. 


OPPO.jpg


Công trình đền ơn đáp nghĩa được xây dựng đồ sộ nhất, quy mô nhất, có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm kín của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.


OK19.jpg

Đoàn làm Lễ tưởng niệm các liệt sỹ tại Nghĩa trang Trường Sơn


OK111.jpg

Và làm Lễ cầu siêu cho anh linh các liệt sỹ anh hùng đã nằm lại nơi đất mẹ




Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn không chỉ là nơi để các gia đình liệt sỹ, các đoàn đại biểu của Đảng và Nhà nước, chính quyền các địa phương đến viếng thăm và thực hiện công việc đền ơn đáp nghĩa mà còn là nơi hành hương của nhân dân khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế theo truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam: uống nước nhớ nguồn.


Truong Son (1).jpg


Truong Son (2).jpg


Truong Son (3).jpg


Tại nơi đây, với tấm lòng thành kính, biết ơn sâu sắc nhất, sau nghi Lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ, Đoàn đã đi thăm viếng phần mộ của liệt sỹ các tỉnh thành, địa phương được phân thành 10 khu vực chính trong đại Nghĩa trang.


Địa danh lịch sử tiếp theo trong cuộc hành trình, Đoàn đã đến Nghĩa trang Quốc gia đường 9, thắp nén tâm hương, tưởng niệm và cầu chúc cho anh linh của hơn một vạn các anh hùng liệt sỹ với đầy đủ ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến.


OK(13).jpg

Đoàn thắp nén nhang thơm tưởng niệm, tri ân các liệt sỹ anh hùng đã nằm lại nơi đây


P1040596.JPG

Lễ cầu siêu trang nghiêm được tổ chức tại Nghĩa trang Quốc gia đường 9


P1040629.JPG

Đồng chí Đặng Quang Hải, Bí thư Đoàn Khối CNHN chụp ảnh lưu niệm cùng Thanh niên VINAINCON tại Tường đài chiến thắng khu vực Nghĩa trang Quốc gia đường 9


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường số 9 là một con đường chiến lược nối liền từ biên giới Việt Lào về tới Đông Hà. Dọc trục đường số 9, Mỹ - ngụy đã cho xây dựng các căn cứ quân sự, các cứ điểm và lô cốt nhằm cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Đường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bởi những chiến công hào hùng và oanh liệt và cũng chính nó là nỗi ám ảnh, kinh hoàng cho binh lính Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn trong những năm 1965 - 1972.

Cảm xúc rưng rưng về “Khúc tráng ca Thành Cổ”

Tới Thành Cổ vào buổi xế chiều, cả Đoàn rưng rưng cảm động, nhiều anh chị em đã không cầm được nước mắt khi nghe kể về trận chiến 81 ngày đêm ác liệt, đỏ lửa mùa hè năm 1972 của quân đội ta, chống trả quyết liệt để giữ Thành Cổ, giành lợi thế trên bàn đàm phán của Hiệp định Paris.


Thanh Co (1).JPG

Cổng Thành ngày nay


OK(18).jpg

Đoàn làm Lễ dâng hương tại Thành Cổ Quảng Trị


Trận chiến để lại quá nhiều hy sinh, mất mát, hàng ngàn người con ưu tú đã anh dũng nằm lại nơi đất mẹ, trong số đó có rất nhiều thanh niên, sinh viên và giảng viên tại các trường Đại học từ Hà Nội nhập ngũ vào chiến trường.


OPPO (12).jpg

Đài chứng tích sinh viên - chiến sỹ tại Thành Cổ Quảng Trị


Nhiều trái tim của cả Đoàn đã thực sự rung động trước bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, sinh viên năm cuối Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (thôn Phú Ân, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), bởi nội dung thư toát lên tinh thần bất khuất của dân tộc và ẩn chứa những dự cảm kỳ lạ…

Qua giọng kể lược trích của anh hướng dẫn viên Bảo tàng cũng như trực tiếp đọc bức thư kỳ lạ trong phòng trưng bày, tất cả chúng tôi đều vô cùng xúc động trước những dòng đầy tâm huyết ấy, thế hệ hôm nay cảm nhận được khí phách anh hùng của các anh và hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc.


Liet sy Huynh.jpg

Bức thư 10 trang của liệt sỹ Huỳnh được đặt trang trọng tại giữa Bảo tàng Thành Cổ


Rung động vì nội dung bức thư toát lên một tinh thần bất khuất, cùng những tình cảm thiêng liêng mà anh gửi gắm tới gia đình, đồng thời ẩn chứa những dự cảm kỳ lạ của người lính về sự hy sinh của mình và niềm tin vào ngày hòa bình, thống nhất đất nước.

Những lời thơ đầy xúc cảm của cựu chiến binh Lê Bá Dương, người đã từng chiến đấu tại trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ như còn vang vọng đâu đây:

“Đò xuôi Thạch Hãn… ơi chèo nhẹ,

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm…”

Quá khứ và hiện tại vẫn mãi kể lại những câu chuyện của ngày hôm qua, câu chuyện về những trái tim tuổi trẻ, sẵn sàng dấn thân, hy sinh trọn đời cho Tổ quốc, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau không bao giờ quên về quá khứ hào hùng của một dân tộc anh hùng.

Thay lời kết

Đêm giao lưu văn nghệ giữa Đoàn Thanh niên Tổng công ty và Đại diện Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Quảng Bình, Đoàn Thanh niên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Bình được diễn ra sôi nổi, ấm áp bên ngọn lửa trại bập bùng cạnh bãi biển Nhật Lệ như những điểm nhấn, kỷ niệm sâu sắc khó phai trong tâm trí các thành viên tham gia Đoàn.


OK(16).jpg


Lua trai (3).jpg


OK(14).jpg


OK(15).jpg

Đêm giao lưu lửa trại tưng bừng, đáng nhớ


Trên đường hành trình ra Hà Nội, Đoàn tham quan của Cán bộ, đoàn viên thanh niên VINAINCON đã dâng hương, kính cẩn và tưởng niệm phần mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại khu vực Vũng Chùa – Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.


OK(17).jpg

Đoàn chụp ảnh lưu niệm bên Lăng mộ Đại tướng muôn vàn kính yêu


Tiếp đó, tại khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, Đoàn đã thăm và được nghe Ban Điều hành Dự án Nhà máy xử lý nước Formosa thuộc VINAINCON giới thiệu khái quát về quá trình thực hiện một trong những Dự án có độ phức tạp và quy mô lớn cả phần xây dựng, chế tạo và lắp đặt thiết bị mà Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã từng thi công.


OK2.jpg


OK3.jpg


Cong truong.jpg

Và thăm công trường Nhà máy xử lý nước tại Đại công trường Dự án Formosa, Hà Tĩnh


Kết thúc chuyến đi đầy ý nghĩa, trong sâu thẳm mỗi thành viên trong đoàn đều đọng lại những ký ức tốt đẹp, những trải nghiệm không thể nào quên. Chuyến đi thực sự như một sự tri ân thiêng liêng đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh quyết tử cho đất nước và qua đây chúng tôi, những thế hệ thanh niên sinh sau cuộc chiến cảm thêm tự hào, kính trọng và nâng niu những giá trị của cuộc sống hòa bình mà chúng ta đang hưởng ngày hôm nay.

Ghi chép của Nguyễn Đức Minh